Sáng 19/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học Analytica Vietnam 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn SECC.
Thứ trưởng Lê Xuân Định (cà vạt tím than) tham quan các gian hàng. Ảnh: KA
Sự kiện do Cục Thông tin KH&CN quốc gia (NASATI) thuộc Bộ KH&CN phối hợp với Tập đoàn Messe Munchen (Đức) tổ chức. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN để qua đó, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu công nghệ cao, thiết bị hiện đại được tiếp cận trực tiếp các nhà cung cấp nước ngoài, có điều kiện so sánh, lựa chọn, tránh những rủi ro trong quá trình giao dịch, mua bán thiết bị, chuyển giao công nghệ.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết đưa ra nhiều chủ trương, định hướng rất quan trọng, khẳng định phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân…
Cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: KA
“Việc tổ chức Analytica Vietnam 2023 là cơ hội tốt cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu thông tin về công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại trên thế giới. Đồng thời, tìm kiếm đối tác, giao lưu học thuật, để nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ phân tích chẩn đoán, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người”, Thứ trưởng nói.
Tại đây, hơn 150 đơn vị trưng bày, giới thiệu hơn 200 công nghệ, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán và công nghệ sinh học.
Trong đó có máy tách chiết acid nucleic (DNA/RNA) tự động TrusPure 32 (Đài Loan), với tính năng độc đáo của các hạt từ tính ứng dụng trong công nghệ tách chiết và tinh sạch DNA/RNA, giúp nâng cao hiệu suất tách chiết, tiết kiệm thời gian, nhân lực, sử dụng đa dạng trên các nền mẫu.
Thiết bị định lượng protein siêu nhạy SMCxPRO™ (Đức), có khả năng phân tích protein đích ở nồng độ femtogram/mL, sử dụng nền tảng phát hiện protein siêu nhạy SMCxPRO. Độ nhạy tối ưu với nền tảng SMCxPRO cho phép phát hiện protein cả mức độ protein nội bào.
Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: KA
Hay như máy Real-time PCR MIC (Úc), được ứng dụng rộng rãi trong xét nghiệm bệnh trên tôm như đốm trắng, đầu vàng, bệnh hoại tử gan và phát hiện tác nhân gây bệnh trên cá, thú y hay cả bệnh trên người như viêm gan virut HBV, HCV,...
Triển lãm cũng giới thiệu một số sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cho phòng thí nghiệm như hệ thống quản lý ảnh mục tiêu TPMS, phần mềm quản lý phòng thí nghiệm (LIMS) theo ISO 17025, sổ tay phòng thí nghiệm điện tử ELN, thiết bị tự ghi nhiệt độ Xpress PDF,… Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21/4.
Nguồn: khoahocphattrien.vn